Sản xuất nhiên liệu máy bay từ rác thải

     Các nhà khoa học tại Trường Đại học College, London, Anh đã tìm ra cách biến những loại rác thải sinh hoạt hàng ngày của các hộ gia đình, trở thành một loại hợp chất sinh học ít các bon, thay thế cho nhiên liệu dùng trên các loại máy bay. Theo các nhà nghiên cứu, sản phẩm nhiên liệu tạo ra có những ưu điểm vượt trội như tiết kiệm nhiên liệu, sạch và không có phát thải gây hại cho môi trường.

     Tiến sĩ Massimiliao Materazzi, nhóm nghiên cứu Đại học College London cho biết, ý tưởng chính của quy trình này là thu thập nhiên liệu chưa chuyển hóa (RDF) từ rác thải sinh hoạt, sau đó biến nó thành một dạng mô phỏng nhiên liệu hóa thạch dùng cho máy bay.

     Dù vẫn còn trong quá trình thử nghiệm, các nhà khoa học trong nhóm nghiên cứu rất lạc quan về tác dụng của kết quả cuộc nghiên cứu, đối với công tác giảm thiểu khí thải nhà kính ra môi trường.

     Tiến sĩ Massimiliano Materazzi cho biết thêm:“Mọi loại chất hữu cơ khi phân hủy đều sinh ra khí methan. Khí này gây hiệu ứng nhà kính gấp 20 lần CO2. Chính vì thế việc chôn rác thải chỉ là trốn tránh vấn đề.Việc tìm cách chiết xuất được nguồn năng lượng từ rác thải và có thể đem năng lượng đó vào sử dụng, mới là biện pháp lý tưởng nhất để giải quyết vấn đề này”.

     Tiến sĩ Materazzi và các đồng nghiệp rất lạc quan về tiến độ của nghiên cứu bởi nghiên cứu này sử dụng những công nghệ sẵn có. Theo dự kiến, chuyến bay thử đầu tiên cho loại nhiên liệu mới, sẽ được tiến hành vào năm 2020 và loại nhiên liệu này sẽ được thương mại hóa vào năm 2025.

     Nhóm nghiên cứu cũng đang lên kế hoạch xây dựng nhà máy chuyển đổi năng lượng gần các bãi chôn lấp rác thải, để giảm thiểu chi phí vận chuyển.

     Trước đó năm 2017, hãng hàng không British Airways cũng thông báo có kế hoạch xây dựng một loạt nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, nhằm biến những thứ bỏ đi này thành nhiên liệu bền vững, cung cấp cho các máy bay của hãng trong 10 năm tới. Theo kế hoạch, nhà máy đầu tiên sẽ xử lý hàng trăm nghìn tấn rác thải sinh hoạt/năm, trong đó có các tã lót, hộp nhựa đựng thực phẩm và giấy gói socola. Những loại rác thải này lẽ ra được chôn lấp hoặc thiêu hủy, song sẽ được biến đổi thành nhiên liệu bền vững và không sinh ra các loại bụi cũng như khí độc hại khi cháy.

     Hãng British Airways dự kiến nhà máy trên sẽ sản xuất ra đủ lượng nhiên liệu để vận hành toàn bộ các máy bay Dreamliner 787 của hãng, trên các tuyến bay từ London, Anh, đến các thành phố San Jose và New Orleans của Mỹ trong 1 năm.

     Hơn nữa, nhiên liệu được sản xuất tại nhà máy sẽ góp phần giảm 60% khí gây hiệu ứng nhà kính so với nhiên liệu hóa thạch thông thường. Sáng kiến này cũng giúp hãng thực hiện cam kết đến năm 2050 giảm 50% lượng khí thải.

Quang Ngọc