Hoàn thiện thể chế chính sách để hội nhập quốc tế

​​Ngày 26/4, tại Hà Nội, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT) đã tổ chức hội thảo Hoàn thiện hệ thống chính sách tài nguyên và môi trường phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế.Phát biểu tại hội thảo, PGS. TS Nguyễn Thế Chinh – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho rằng, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, chúng ta cần xem xét các xu hướng toàn cầu về quản lý tài nguyên và môi trường; rà soát các yêu cầu về môi trường đánh giá thực trạng khung chính sách ngành tài nguyên môi trường tại Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện hệ thống chính sách ngành tài nguyên và môi trường cho Việt Nam nhằm đáp ứng với xu thế chung trong quá trình hội nhập.

Thực tế cho thấy, khung chính sách về TN&MT được chúng ta xây dựng nhnh, khá bài bản. Từ năm 2002 đến tháng 10/2015, Bộ TN&MT đã xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 726 văn bản bao gồm các luật, nghị quyết, quyết định, thông tư…

Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, các nguồn tài nguyên được phát huy cho phát triển kinh tế – xã hội đóng góp quan trọng vào nguồn thu ngân sách nhà nước trong đó thu từ đất đạt 39.4 tỷ đồng, thu từ quyền khai thác khoáng sản đạt 7,5 nghìn tỷ đồng (2011 – 2015).

Tuy nhiên, tiến độ xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn chậm. Một số địa phương chưa chủ động, còn chậm trong việc ban hành các văn bản quy phạm quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật theo thẩm quyền. Công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vẫn có một số vấn đề bức xúc ở một số nơi như khiếu kiện đất đai tuy có giảm nhưng vẫn còn là vấn đề phức tạp ở nhiều địa phương. Quản lý cấp phép hoạt động khoáng sản ở nhiều địa phương còn nhiều tồn tại, đặc biệt là hoạt động khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường. Nguồn lực tài nguyên và môi  trường chưa được phát huy đầy đủ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững của đất nước.

Trong thời kỳ hội nhập quốc tế với các hiệp định được ký kết cũng đặt ra những yêu cầu cho ngành tài nguyên và môi trường như thực thi nghiêm túc và hiệu quả các cam kết quốc tế về môi trường trong các hiệp định. Thực thi nghiêm túc pháp luật và các quy định trong nước liên quan đến môi trường. Xây dựng và hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường phù hợp với các quy định quốc tế. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phải xem xét vấn đề cắt giảm các biện pháp hạn chế xuất khẩu một số loại tài nguyên cho phù hợp với cam kết đảm bảo bình đẳng giữa các doanh nghiệp cũng như tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Tham dự hội thảo, các đại biểu cho rằng, trong thời gian tới ngành tài nguyên và môi trường cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách. Đẩy mạnh điều tra cơ bản, nâng cao chất lượng các quy hoạch, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm các nguồn tài nguyên. Tiếp tục rà soát, dự báo các tác động cụ thể từ các hiệp định thương mại, môi trường quốc tế mà Việt Nam đã tham gia với ngành tài nguyên và môi trường. Rà soát xem xét sự phù hợp giữa hệ thống pháp luật ngành tài nguyên môi trường với các hiệp định quốc tế đã tham gia để điều chỉnh. Bổ sung các định còn thiếu trong hệ thống pháp luật quốc gia. Bên cạnh đó, xây dựng hướng dẫn cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước về các quy định liên quan tới tài nguyên và môi trường trong các hiệp định quốc tế. (Theo CTTĐT Bộ TN&MT)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *