Độc đáo mô hình Bống ăn rác tại bãi biển Đà Nẵng

Độc đáo mô hình Bống ăn rác tại bãi biển Đà Nẵng

Ô nhiễm môi trường biển đang ngày càng gia tăng và trở thành vấn đề “nóng” được nhiều nước trên thế giới quan tâm. Đặc biệt, việc giảm thiểu ô nhiễm biển do vấn đề chất thải nhựa gây ra đang trở thành vấn đề bức thiết, cần sự vào cuộc của các ngành, các cấp, tổ chức chính trị – xã hội và cộng đồng dân cư. Với mục đích kêu gọi cộng đồng chung tay BVMT biển, Ban quản lý (BQL) bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cùng nhóm tình nguyện viên đã thực hiện Dự án “Bống ăn rác” tại bãi biển T18 (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) giữa ngã ba Nguyễn Văn Thoại – Võ Nguyên Giáp để bắt đầu thực hiện sứ mệnh “ăn” rác thải nhựa.

     Với lợi thế có bờ biển dài hơn 90 km, nhiều bãi biển đẹp, tuy nhiên Đà Nẵng hiện đang phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường biển. Trong đó, vấn đề rác thải ngày càng báo động. Hiện nay, Đà Nẵng đang bước vào mùa cao điểm du lịch. Trung bình mỗi ngày các bãi biển Đà Nẵng thu hút từ 5.000 – 7.000 người mỗi ngày, đặc biệt, vào những ngày lễ hội có thể lên đến 10.000 người. Với sự tập trung lớn du khách như vậy, biển Đà Nẵng hàng ngày phải chịu áp lực của sự ô nhiễm. Bên cạnh đó, môi trường biển Đà Nẵng còn phải tiếp nhận rác thải từ hệ thống cống thu gom nước mưa của thành phố chung với thu gom nước thải sinh hoạt, khi mưa lớn thoát không kịp tràn ra biển mang theo rác và tình trạng xả rác bừa bãi tại các âu thuyền, bến bãi… chủ yếu là rác thải nhựa. Theo thống kê của Công ty môi trường đô thị Đà Nẵng, lượng rác thải thu gom khu vực biển tăng dần qua các năm, lượng rác thải biển thu gom trung bình 4.000 tấn/năm, chiếm 1,5% trong tổng lượng rác thải đô thị thu gom toàn thành phố. Rác thải không chỉ gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường biển mà con gây ảnh hưởng trực tiếp đến các loại thủy sinh vật. Hiện trên 80% rạn san hô của TP. Đà Nẵng đang ở tình trạng không tốt, rác thải là một trong những nguyên nhân chính gây nguy hại cho rạn san hô.

Mô hình “Bống ăn rác” tại bãi biển T18

     Trước thực trạng trên, mùa du lịch biển 2019, Đà Nẵng đã có hàng loạt chương trình sự kiện liên quan đến BVMT với thông điệp rất mạnh mẽ khi kêu gọi người dân và du khách cùng chung tay chống rác thải nhựa, vì một “bán đảo Sơn Trà và biển Đà Nẵng  – Nói không với túi ni lông”. Đặc biệt, bà Sarah Field – một người nước ngoài dạy tiếng Anh tại Đà Nẵng đã đề xuất với BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, cùng nhóm tình nguyện viên thực hiện Dự án “Bống ăn rác” tại bãi biển T18, với slogan “Hãy cho Bống ăn rác thải nhựa”, nhằm thu hút và khuyến khích người đi biển bỏ rác thải vào thùng rác. Đây là ý tưởng đã được triển khai thực hiện ở nhiều nước, hầu hết đều trên các bãi biển, nhằm thu hút và khuyến khích người đi biển bỏ rác thải vào thùng rác, đặc biệt là rác thải nhựa. Dự án xây dựng hình ảnh con cá Bống thông qua nghệ thuật sắp đặt với các loại vật liệu khác nhau và lấy bối cảnh phong trào BVMT qua giảm thiểu rác thải và sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường (bao bì bằng lá chuối và ống hút tre đã xuất hiện thay thế túi ni lông) đang nhân rộng ở châu Á, đặc biệt là Đà Nẵng. Để thực hiện Dự án, nhóm tình nguyện đã mất khoảng 2 tháng để kêu gọi nguồn xã hội hóa, với số tiền khoảng 8 triệu đồng.

     Do bống là loài cá quen thuộc và cũng rất quan trọng trong đời sống và văn hóa dân gian của người Việt từ nhiều đời nay, đặc biệt là rất gần gũi với trẻ nhỏ, nên nhóm đã chọn hình ảnh một chú cá bống để mong muốn nâng cao nhận thức về BVMT của cộng đồng. Hình tượng cá Bống trên bãi biển có hai cách hiểu: Hình ảnh chú cá nuốt phải rất nhiều rác thải khác nhau do con người thải ra đại dương, thông qua đó, mọi người sẽ nhìn thấy khối lượng rác thải nhựa xả ra kinh khủng như thế nào, đánh vào chính nhận thức của mọi người về sự nghiêm trọng của mỗi chai nước vứt trên bãi biển. Ngoài ra, hình ảnh chú cá bảo vệ biển bằng cách thu vào người những rác thải do con người sử dụng, thay vì để chúng nằm rải rác trên bãi biển và trôi ra đại dương, gây ô nhiễm môi trường. Nhưng dù hiểu như thế nào thì đây cũng là mong muốn đóng góp và thay đổi nhận thức của mọi người về BVMT biển của nhóm thực hiện Dự án. Đồng thời, lan truyền thông điệp bảo vệ đại dương, môi trường biển đối với cộng đồng địa phương và du khách quốc tế, nhất là trẻ em. Bên cạnh các ý nghĩa về mặt môi trường và bảo vệ thiên nhiên, Dự án còn là cơ hội để người dân, du khách cùng tham gia tương tác và cộng tác với nhau vì cộng đồng và môi trường sống. Lấy tiêu chí cộng đồng làm trọng tâm, Dự án coi trọng việc tham gia đóng góp trên mọi phương diện của nhiều người trong xã hội, một trong số đó là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và sự hỗ trợ của cơ quan chính quyền địa phương. Qua đó nhân rộng mô hình trên biển Đà Nẵng, thu hút các nhóm tình nguyện vì môi trường trên thế giới quan tâm.

     Sau 3 tuần, một con cá Bống cao 3m, dài 5m được làm từ các nguyên liệu thân thiện với môi trường như tre, nứa… và bọc lưới vây quanh để đựng rác thải đã hoàn thành. Mô hình này được các tình nguyện viên trực tiếp làm các công đoạn từ việc tìm kiếm nguyên liệu tre, dừa, đục đẽo, cắt gọt, ráp mô hình, trang trí để hoàn thiện con cá. BQL bán đảo Sơn Trà sẽ để Bống ở bãi biển T18 từ 2-3 tháng để xem phản ứng của người dân và du khách. Sau khi ghi nhận hiệu quả của Dự án hoặc các vấn đề cần khắc phục, BQL và nhóm tình nguyện sẽ có thêm sản phẩm khác nằm trên các bãi biển Đà Nẵng, như là rùa hay cá voi. Để bảo vệ biển Đà Nẵng trước nguy cơ ô nhiễm rác thải nhựa, cùng với việc mở rộng dự án Bống tại nhiều khu vực biển ở Đà Nẵng, thời gian tới, BQL sẽ thường xuyên phối hợp với các đội nhóm, tình nguyện viên thu gom rác tấp vào bờ sau mỗi đợt mưa lớn, tuyên truyền trên các hệ thống loa phát thanh vận động người dân, du khách và các hộ kinh doanh không xả rác bờ biển; đưa vào sử dụng một máy sàn cát hiện đại để làm sạch bãi biển….

     Không chỉ là một chiếc thùng rác, hình ảnh con cá chứa đầy rác nhựa trong bụng như một sự cảnh tỉnh con người về những tác động tiêu cực của rác thải nhựa với đại dương. Và những mô hình như thế này nên được nhân rộng ở nhiều bãi biển khác, qua đó kêu gọi cộng đồng chung tay BVMT biển.

Đỗ Thị Thúy Hiền – Hồng Gấm

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 7/2019)